Chiến lược kinh doanh quốc tế là gì? Vai trò và ví dụ

5
(2)

Trong thời đại toàn cầu hóa, kinh doanh quốc tế trở thành một lĩnh vực đầy thử thách nhưng cũng cực kỳ tiềm năng. Để tồn tại được trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh khốc liệt này, các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược kinh doanh quốc tế rõ ràng để có thể tận dụng tối đa các cơ hội đồng thời giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình.

Bài viết này của Navee sẽ mang đến cho bạn cái nhìn cụ thể hơn về vai trò cũng như quy trình, các xu hướng những ví dụ thành công của các chiến lược kinh doanh quốc tế. Hãy cùng khám phá nhé!

1. Chiến lược kinh doanh quốc tế là gì?

Chiến lược kinh doanh quốc tế (International Business Strategy) là một thể thống nhất các chính sách, kế hoạch hoạt động, giải pháp,… được xây dựng, tính toán nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh quốc tế đã đề ra trước đó dưới sự tác động của môi trường kinh tế toàn cầu.

Chiến lược kinh doanh quốc tế là gì?
Chiến lược kinh doanh quốc tế là gì?

Chiến lược kinh doanh quốc tế được xem như một “mảnh ghép” quan trọng của chiến lược phát triển doanh nghiệp trong định hướng phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp.

2. Tầm quan trọng của chiến lược kinh doanh quốc tế đối với doanh nghiệp

Trong xu hướng kinh doanh toàn cầu hóa và mở rộng thị phần ở những thị trường quốc tế, chiến lược kinh doanh quốc tế có vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp đi đúng hướng ngay từ đầu và phát huy tối đa tiềm lực, cụ thể:

Vai trò của chiến lược kinh doanh quốc tế
Chiến lược kinh doanh quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong mọi hoạt động phát triển tại thị trường nước ngoài
  • Chiến lược kinh doanh quốc tế được xem là kim chỉ nam đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hướng doanh nghiệp đi đúng quỹ đạo và nâng cao hiệu quả đầu tư.
  • Giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả nguồn lực để nắm bắt, khai thác tốt các cơ hội kinh doanh trên thị trường quốc tế.
  • Giảm thiểu các rủi ro, bất lợi
  • Giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước

3. 4 chiến lược kinh doanh quốc tế điển hình

4 chiến lược kinh doanh quốc tế phổ biến, tùy vào tình hình và điều kiện của doanh nghiệp mà có thể tham khảo và áp dụng:

3.1. Chiến lược quốc tế

Các doanh nghiệp áp dụng chiến lược quốc tế (International Strategy) bằng cách xuất khẩu các sản phẩm, giá trị đặc thù của mình ra thị trường nước ngoài, nơi mà các đối thủ cạnh tranh tại thị trường đó chưa có hoặc năng lực sản xuất yếu kém. 

Chiến lược quốc tế

Hay chiến lược quốc tế tạo lợi nhuận kinh doanh cho doanh nghiệp bằng cách chuyển giá trị và sản phẩm đến các thị trường quốc tế, nơi khách hàng còn quá xa lạ với sản phẩm của doanh nghiệp. 

Có nghĩa là, chiến lược kinh doanh quốc tế này chỉ thực sự hiệu quả khi sự cạnh tranh của các nhà kinh doanh bản địa chưa thực sự mạnh, hay các yếu tố về cắt giảm chi phí, các chính sách, phong tục địa phương không là tác động lớn đối với doanh nghiệp của bạn.

3.2. Chiến lược toàn cầu

Chiến lược toàn cầu (Global Strategy) khá phổ biến. Với chiến lược này, các công ty tập trung vào việc tối ưu chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận tích lũy.

Chiến lược toàn cầu

Bằng cách các doanh nghiệp mang những sản phẩm, dịch vụ nổi bật, tiêu chuẩn hóa và phân phối chúng ở tất cả các thị trường. Như vậy, nhờ việc sản xuất hàng hóa với số lượng lớn đều đặn nên giá thành sản phẩm của họ sẽ rất cạnh tranh so với các đối thủ nội địa. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng chiếm lĩnh thị phần tại nước đó.

Chiến lược toàn cầu phù hợp các doanh nghiệp gặp áp lực cao về cắt giảm chi phí và ở những thị trường yêu cầu của khách hàng đối với sản phẩm không có nhiều khắt khe.

3.3. Chiến lược đa quốc gia

Với chiến lược đa quốc gia (Multinational strategy), doanh nghiệp sẽ thực hiện những chiến lược riêng về sản phẩm và marketing nhằm đáp ứng đúng thị hiếu và nhu cầu của từng thị trường ở mỗi quốc gia khác nhau. 

Chiến lược đa quốc gia

Đặc điểm của chiến lược này chính là những công ty con tại mỗi nước sẽ chịu trách nhiệm thực thi chiến lược, nhưng vẫn chịu sự quản lý của công ty mẹ. Do đó, chiến lược đa quốc gia sẽ làm tăng chi phí và các sản phẩm phải được bán với giá thành cao hơn để đảm bảo lợi nhuận của mình.

Có thể thấy, chiến lược đa quốc gia này sẽ đạt được hiệu quả nếu nhu cầu ở thị trường đó thực sự cao và doanh nghiệp của bạn không gặp phải các vấn đề về cắt giảm chi phí.

3.4. Chiến lược xuyên quốc gia

Chiến lược cuối cùng trong 4 chiến lược kinh doanh phổ biến cần nắm chính là chiến lược xuyên quốc gia (Transnational strategy). Đây là sự kết hợp giữa chiến lược đa quốc gia và chiến lược toàn cầu, cũng là thị trường toàn cầu nhưng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương.

Chiến lược xuyên quốc gia

Doanh nghiệp áp dụng chiến lược xuyên quốc gia phải có sự đột phá cao trong sản phẩm/dịch vụ mang đến sự khác biệt, nổi trội, thích ứng với nhu cầu, văn hóa địa phương. Như vậy mới đủ sức cạnh tranh với các đối thủ tương tự trong nước.

Chiến lược này chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có đủ tiềm năng, điều kiện thực hiện phân tích, tìm hiểu chi tiết tâm lý tệp khách hàng mỗi quốc gia. Từ đó tạo ra được sự nổi trội, khác biệt sản phẩm và hình ảnh thương hiệu so với đối thủ cạnh tranh.

3.5. So sánh 4 chiến lược kinh doanh quốc tế

Chiến lược kinh doanh quốc tếĐặc điểmƯu điểmNhược điểmVí dụ
Chiến lược quốc tếTập trung vào việc xuất khẩu hàng hóaKhả năng mở rộng thị trường và tăng doanh thu với chi phí đầu tư ban đầu thấpKhó đáp ứng nhu cầu và sở thích của thị trường địa phương, phụ thuộc vào chuỗi cung ứngVinamilk, TH True Milk, Trung Nguyên Legend
Chiến lược đa quốc giaĐiều chỉnh sản phẩm và dịch vụ theo từng quốc gia cụ thểTính linh hoạt cao, phù hợp với thị hiếu và văn hóa của từng địa phươngChi phí cao và khó khăn trong việc duy trì đồng nhất thương hiệu toàn cầuP&G, L’Oréal, PepsiCo, Unilever, Nestle, Heineken
Chiến lược toàn cầuMức độ tiêu chuẩn hóa sản phẩm cao trên toàn cầuTối ưu hóa hiệu quả quy trình, chi phí và khai thác lợi thế quy môThiếu sự thích ứng với từng thị trường địa phương, dễ bị cạnh tranh địa phương lấn lướtMicrosoft, Starbucks, Huawei, Coca-Cola, Apple, McDonald’s
Chiến lược xuyên quốc giaKết hợp chiến lược toàn cầu và đa quốc giaNâng cao khả năng cạnh tranh nhờ tối ưu hóa cả toàn cầu và địa phươngPhức tạp trong quản lý, đòi hỏi nguồn lực và chi phí caoAdidas, Honda, LG, Nike, Toyota, Samsung

4. Quy trình thực hiện chiến lược kinh doanh quốc tế

Việc thực hiện một chiến lược kinh doanh quốc tế đòi hỏi có một quy trình bài bản. Dưới đây là cách để doanh nghiệp có thể tối ưu hóa cơ hội và giảm thiểu rủi ro khi mở rộng hoạt động ra quốc tế.

Doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng các quy trình thực hiện chiến lược kinh doanh quốc tế để đạt được hiệu quả kinh doanh!
Doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng các quy trình thực hiện chiến lược kinh doanh quốc tế để đạt được hiệu quả kinh doanh!

4.1. Phân tích môi trường

Trước khi triển khai chiến lược kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp cần phân tích toàn diện môi trường kinh doanh:

  • Phân tích vĩ mô: Nghiên cứu về kinh tế, chính trị, pháp lý và xã hội ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.
  • Phân tích vi mô: Đánh giá đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp, khách hàng và các yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh.
  • Theo mô hình SWOT: Xác định điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities), và thách thức (Threats).
Mô hình SWOT giúp doanh nghiệp xác định được các yếu tố chủ chốt trong vấn đề phân tích môi trường kinh doanh. 
Mô hình SWOT giúp doanh nghiệp xác định được các yếu tố chủ chốt trong vấn đề phân tích môi trường kinh doanh. 

4.2. Xác định mục tiêu

Doanh nghiệp cần:

  • Xác định rõ ràng mục tiêu chiến lược kinh doanh quốc tế, chẳng hạn như mở rộng thị phần, tăng trưởng doanh thu hoặc gia tăng thương hiệu.
  • Mục tiêu này cần cụ thể, khả thi, đo lường được và phù hợp với doanh nghiệp.

4.3. Lựa chọn chiến lược kinh doanh quốc tế

Doanh nghiệp có thể cân nhắc giữa bốn loại chiến lược chính gồm: chiến lược toàn cầu, chiến lược đa quốc gia, chiến lược xuyên quốc gia và chiến lược quốc tế. 

Mỗi chiến lược sẽ đi kèm với những phương thức thâm nhập thị trường quốc tế khác nhau như xuất khẩu, nhượng quyền thương mại, hoặc cấp phép (licensing), giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách hiệu quả.

4.4. Lập kế hoạch triển khai

Xây dựng các kế hoạch cụ thể liên quan đến nghiên cứu và phát triển (R&D), chiến lược marketing, quản lý nhân sự, và quản trị rủi ro nhằm thực hiện chiến lược kinh doanh đã lựa chọn. 

Kế hoạch này phải xác định rõ các hoạt động cần thực hiện, nguồn lực cần huy động, thời gian thực hiện và dự toán ngân sách cho từng bước.

5. Các xu hướng chiến lược kinh doanh quốc tế mới nhất

Với bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động không ngừng, các xu hướng mới trong chiến lược kinh doanh quốc tế xuất hiện, định hình lại cách doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu.

5.1. Toàn cầu hóa và số hóa

Sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa và số hóa đã ảnh hưởng rất lớn trên thị trường và trong các ngành công nghiệp. Toàn cầu hóa thể hiện sự liên kết và tương tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế, xã hội, văn hóa qua thương mại, đầu tư, và công nghệ. Trong khi đó, số hóa đề cập đến việc sử dụng công nghệ và các nền tảng kỹ thuật số để tạo ra, phân phối và trao đổi giá trị.

Cả hai xu hướng này tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho doanh nghiệp, mở rộng quy mô hoạt động, tiếp cận nhiều khách hàng hơn, và khai thác các nguồn lực toàn cầu. Ví dụ, các công ty có thể tận dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo để thâm nhập thị trường mới, tiết kiệm chi phí, cải thiện trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy sự đổi mới

Bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa giúp các doanh nghiệp kết nối dễ dàng với nhiều chiến lược kinh doanh mới mẻ!
Bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa giúp các doanh nghiệp kết nối dễ dàng với nhiều chiến lược kinh doanh mới mẻ!

5.2. Khu vực hóa và bản địa hóa

Một xu hướng khác là sự gia tăng tầm quan trọng của khu vực hóa và bản địa hóa. Khu vực hóa là việc các quốc gia trong cùng khu vực hợp tác để tăng cường thương mại và phát triển các hiệp định khu vực. Bản địa hóa là quá trình điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ và quy trình để phù hợp với nhu cầu, sở thích của khách hàng địa phương.

Xu hướng này cho thấy sự khác biệt và phức tạp trong môi trường toàn cầu, nơi mà các doanh nghiệp cần thích nghi với những yêu cầu và tiêu chuẩn riêng biệt của từng khu vực, ví dụ như quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu hoặc Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA). Các công ty cần điều chỉnh dịch vụ của mình để phù hợp với thị hiếu, văn hóa và giá trị của người tiêu dùng tại mỗi thị trường mục tiêu.

5.3. Trách nhiệm xã hội và tính bền vững

Xu hướng thứ ba là sự tập trung ngày càng cao vào tính bền vững và trách nhiệm xã hội. Tính bền vững là khả năng của doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. 

Những xu hướng này phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý về tác động môi trường và xã hội của doanh nghiệp. Ví dụ, các công ty cần đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu, quyền con người và sự đa dạng trong hoạt động của họ, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và cam kết về trách nhiệm của mình.

6. Ví dụ về chiến lược kinh doanh quốc tế

6.1. Chiến lược quốc tế của Microsoft

Microsoft được xem là ví dụ điển hình của chiến lược quốc tế với tiềm lực tài chính lớn và đặc thù sản phẩm công nghệ thông tin trên toàn thị trường không có quá nhiều sự khác biệt.

Chiến lược kinh doanh quốc tế của Microsoft
Microsoft là ví dụ thành công của chiến lược quốc tế

Có thể thấy, với xu hướng công nghệ bùng nổ như hiện nay khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử và phần mềm tăng mạnh, nhưng lại có khá ít công ty đủ nguồn lực mạnh và kinh nghiệm để tạo nên một hệ điều hành riêng cho mình như Microsoft. Do đó, với số lượng khách hàng lớn cũng như không có nhiều sự cạnh tranh nên Microsoft hầu như không bị ảnh hưởng về giá cả thị trường.

Một vài trường hợp, Microsoft cũng đã từng địa phương hóa tại một vài khu vực nhưng cũng chỉ là sản xuất các phiên bản tiếng nước ngoài cho các chương trình Microsoft nổi tiếng.

6.2. Chiến lược xuyên quốc gia của IKEA

IKEA, nhà bán lẻ nội thất gỗ của Thụy Điển, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới hiện nay. Đây là một trong những ví dụ nổi trội của chiến lược xuyên quốc gia.

Cụ thể, khi mở rộng vào thị trường Trung Quốc vào năm 1998, IKEA đã gặp phải hai vấn đề lớn. Đầu tiên là vì sự khác biệt về văn hóa giữa Châu Á và Châu Âu khá lớn, dẫn đến phong cách sống và thị hiếu của người tiêu dùng về nội thất cũng khác.

Thứ hai là sự cạnh tranh lớn về giá cả khi thị trường Trung Quốc có nhiều sản phẩm, mặt hàng nội địa tương tự nhưng với mức giá thấp hơn nhiều. Nhưng việc giảm giá thành các sản phẩm IKEA để cạnh tranh là không thể vì thuế nhập khẩu của Trung Quốc thời điểm đó khá cao.

Chiến lược kinh doanh quốc tế của Ikea
Chiến lược kinh doanh của IKEA tại Trung Quốc là ví dụ nổi bật của chiến lược xuyên quốc gia

Để giải quyết những khó khăn này, IKEA thay đổi khách hàng mục tiêu tại thị trường xứ Trung là tầng lớp trung lưu trẻ tuổi vì đây là tầng lớp có thu nhập tương đối cao và có hiểu biết rõ cũng như sở thích về thiết kế phương Tây.

Do đó hàng năm, IKEA tổ chức khảo sát người tiêu dùng để nắm bắt thị hiếu và chất lượng dịch vụ, sử dụng chiến dịch quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc, diễn đàn lớn dành cho giới trẻ… chủ yếu là Weibo để tiếp cận. 

Về vấn đề cải thiện giá cả để tăng tính cạnh tranh, IKEA sử dụng nguyên liệu địa phương và mở các xưởng sản xuất tại Trung Quốc để giảm thuế nhập khẩu. Cộng thêm thiết kế dễ tháo lắp và đóng gói bằng phẳng, công ty còn giảm được các chi phí vận chuyển và lắp ráp.

Như vậy, chiến lược xuyên quốc gia của IKEA được thực hiện nổi bật trên tiêu chí kết hợp chất lượng cao nhưng giá thành phải chăng phù hợp với nhu cầu thị trường quốc gia sở tại. 

Rõ ràng, chiến lược kinh doanh quốc tế giữ vai trò quan trọng để định hướng doanh nghiệp của mình phát triển tốt hơn trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Hi vọng những thông tin chia sẻ bên trên thật sự hữu ích và giúp các bạn hiểu rõ hơn về khái niệm này. 

Nội dung có hữu ích cho bạn?

Bình chọn 5 sao nếu bạn tìm được thông tin hữu ích!

Xếp hạng: 5 / 5. Lượt bình chọn: 2

Liên hệ
Hãy để lại thông tin của bạn
NAVEE luôn sẵn sàng








     ĐĂNG KÝ NGAY
    close-link